• Trang chủ
  • Bích Khê
  • Tác phẩm
  • Thi hữu
  • Diễn đàn lý luận
  • Thơ phổ nhạc
  • Tư liệu
  • Tin văn
  • Bạn đọc
  • Liên kết website
  • Thi tập
  • Tự truyện
MENU
  • Thi tập
  • Tự truyện
Hỗ trợ - Tư vấn
Thông tin cần biết
TỲ BÀ
.......
Tôi qua tim nàng vay du dương 
Tôi mang lên lầu lên cung Thương 
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng 
Tình tang tôi nghe như tình lang 

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi 
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi 
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi 
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi 

Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu 
Sao tôi không màng kêu: em yêu 
Trăng nay không nàng như trăng thiu 
Đêm nay không nàng như đêm hiu 

Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân 
Buồn sang cây tùng thăm đông quân 
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng 
Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông. 
 
Diễn đàn lý luận
 
NHỮNG KỶ NIỆM CHUNG QUANH TẠP CHÍ VĂN NGHỆ -Tiểu luận XUÂN DIỆU

NHỮNG KỶ NIỆM CHUNG QUANH TẠP CHÍ VĂN NGHỆ -Tiểu luận XUÂN DIỆU



NGUỒN: Baovannghe.vn - 29/04/2025

XUÂN DIỆU

 

Tôi nhớ bên cạnh anh Tố Hữu, có anh Trần Huy Liệu, anh Nguyễn Sơn (quân sự liên khu Bốn). Buổi sáng ấy đã sinh ra một cái hạt đáng kể, đó là việc thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam với một Ban Chấp hành lâm thời. Cải hạt yêu quí ấy đã nở thành một cây Đại hội Văn nghệ (23, 24, 25-7-1948). Tám mươi bạn đã đến ở đây dưới bóng cây một làng ở Phú Thọ. Dù ở đâu, nghe tiếng gọi của Đại hội, những đứa con của nghệ thuật cũng leo ngàn băng dặm đến tập hợp... Họ đến từ khu Bốn (có cụ Võ Liêm Sơn), từ khu Ba, từ khu Một (có bác Ngô Tất Tố), từ khu Mười (có Tô Ngọc Vân)... Họ chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, rồi lại về các địa phương công tác, sáng tác.

Chính trong cái không khí tâm tình kháng chiến ấy, mà tạp chí Văn nghệ ra số 1, tháng 2 và 3 năm 1948. Người thư ký tòa soạn đầu tiên là Tố Hữu. Lúc ấy tôi ở phía Bắc Giang với Huy Cận (đang làm ở bộ Kinh tế) được số Văn nghệ đầu lòng biên tập và in ở vùng Thanh Cù (Phú Thọ) gửi sang; Huy Cận và tôi cầm lấy, tay run run. Giấy bản sản xuất ở vùng Thanh Cù, nơi có nhiều cây dó; (có lần tôi đi qua một đồi dó Phú Thọ đang nở hoa tím phớt, thơm ngào ngạt, suốt đời không quên). Suốt mấy chục số Văn nghệ là in bằng thứ giấy thủ công ấy, đôi lúc mắt vừa đọc văn, tay lại vừa tẩn mẩn gỡ từ trong giấy ra một mảnh cọng rơm nhỏ. Ồ! Cái sức mạnh của những sản phẩm tinh thần! Cả cái vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang này có con chim từ bên Phú Thọ, từ chỗ Tố Hữu đóng, bay sang, nó tung đôi cánh 72 trang của nó ra, nó vỗ vỗ còn nghe tiếng giấy reo với mực nhà in; và thế là có một cái gì tinh túy nhất trong tâm trí chúng tôi được xâu chuỗi lại thành một sức mạnh! Đúng thế. Những tình cảm, tâm tư, súc cảm tích lại từ trong 14 tháng kháng chiến mở đầu, bây giờ cất lên thành nghệ thuật, đòi hỏi thành ra tác phẩm, chứ không phải dùng lại ở mức độ tân văn; bé nhưng mà bé hạt tiêu, một ít thế thôi, nhưng sao cần thiết cho tâm hồn người đến thế, trong cái phần sâu thẳm nhất của tâm tình người. Tôi còn nhớ cái cảm tưởng đầu tiên khi tôi đọc bài thơ Cá nước trong số 1 này; một chất gì đó đã sản sinh ra, cái chất đó chỉ có thể sinh ra được do tâm hồn người:

Tôi ở Vĩnh Yên lên

Anh trên Sơn Cốt xuống

Gặp nhau lưng đèo Nhe

Bóng tre trùm mát rượi

Những kỷ niệm chung quanh Tạp chí Văn nghệ
Ảnh Internet

Đó là chân thành, chân thành, đó là Tố Hữu, Tố Hữu. Chúng tôi, một số thi sĩ đã viết thơ từ trước Cách mạng tháng Tám, không phải là chúng tôi không biết xào nấu cho thơm điếc mũi lên! Nhưng chúng tôi đứng lặng trước cái chất tình người này: Một thoáng lặng nhìn nhau - Mắt đã tìm hỏi chuyện - Đôi bộ áo quần nâu - Đã âm thầm thương mến, trong tiếp xúc hằng ngày, những con người đã thấu đến cốt lõi của nhau; tình giai cấp; tình kháng chiến; họ cũng thấu đến cái hồn sâu nhất của cảnh vật, đó là quê hương, đó là nhân dân!

Xa xa đầu xóm tre xanh

Có bà ru cháu nằm khoanh lòng già;

Cháu ơi cháu lớn với bà

Bố mày đi đánh giặc xa chưa về...

Cái năm 1947 - 1948, chất thơ này mới mẻ lạ thường! Những thi sĩ xuất thân tiểu tư sản tái sinh trong cái lành mạnh trong sáng nhuần nhị của quần chúng nhân dân.

Bên bài thơ Cá nước, có bút ký Nhận đường của Nguyễn Đình Thi. “Vài giờ nữa, năm Dân chủ Cộng hòa thứ tư rồi. Đêm nay yên tĩnh. Nhưng ngay bên kia sông Cái, các anh bộ đội mặt vàng sốt rét đang lội bùn quần nhau với chúng nó ở những nơi thăm thẳm tên là Thu Cúc, Nghĩa Lộ, Khau Cô, Đồn Vàng, Tú Lệ. Chung quanh tôi:

Tam Đảo, cây số Tám, làng Mấu, làng Mạ, đồng Bùa, bến Then...”. Yêu Tổ quốc, Nguyễn Đình Thi dụng ý kể những tên đất nước gần xa chung quanh nơi mình đang ngồi viết, và tôi đồng tình với anh những làng Mấu, làng Mạ ấy tôi cũng đã ở qua, và tôi không quên bao giờ! Nhớ cả những bụi dứa, cây trám của vùng dưới chân núi Tam Đảo ấy

- Số Một có nhạc Sông Lô của Văn Cao, với nhiều chất trữ tình; có Ấp Đồi cháy, văn của Nguyên Hồng; có Làng, truyện của Kim Lân; có thơ Nhớ máu của Trần Mai Ninh ở Liên khu Năm. Những mục “Văn nghệ Thời đại”, “Trên những nẻo đường kháng chiến” có bài của Nguyễn Huy Tưởng, Như Phong. Văn học nghệ thuật là tiếng gọi đàn, là gà này gáy gọi gà khác gáy. Các số Văn nghệ tiếp theo có bài Kháng chiến và văn hóa của Đặng Thai Mai, bài Chiêu đãi sở của Nguyễn Tuân: “Và cái chân trời thèm khát kỳ nọ, Nguyễn thấy không cần tìm ở thiên nhiên vương khuất nữa. Chàng tìm ngay trong tâm tưởng mình. Cái nhãn giới của tư tưởng thì không còn núi rừng của bất cứ thượng du nào bưng bít nữa. Trong những ngày đi tiếp, mặc dầu vách đá chấm mây cao ngất trời trước tầm mắt, Nguyễn vẫn có một chân trời riêng trước mặt để hút dẫn mỗi bước mình...” (Việt Bắc 6-48).

Từ số 4 (8-48), thư ký tòa soạn là Nguyễn Huy Tưởng. Số 5 đăng Tào lường của Tô Hoài, Sơn mài của Tô Ngọc Vân; bản thân tôi bắt đầu viết mục Tiếng thơ từ kỳ này. Số 6 đăng Ở rừng của Nam Cao kể lại năm 1947, Nam Cao và Tô Hoài làm báo Cứu quốc, đã dời cơ quan lên Mán như thế nào, lúc giặc Pháp tấn công tới gần: “Không có đường đi. Cả đến lối mòn cũng gần như không có. Rất ít người qua lại đấy, chúng tôi sẽ phải cố tìm ra những vết trên lá rơi cỏ rậm mà đi. Không có một cái mặt bằng con con nào để mà ngồi. Chỗ nào cũng là dốc cả. Luôn sáu cây số, người ta đi, đường đi lù ngay trước mũi. Tất cả cái đáng sợ chỉ thu vào có thế. Người Mán chẳng có gì đáng sợ…”. Nhật ký của Nam Cao đăng tạp chí, rồi in thành sách, đến giờ vẫn giữ tính cách văn học sâu sắc.

Tôi còn nhớ những địa điểm mà Hội Văn nghệ, tức đồng thời là Tạp chí Văn nghệ đã ở: Đan Hà, trên bờ sông Thao giáp giới tỉnh Yên Bái; Thản Sơn, cũng trên bờ sông Thao, nhưng ở phía dưới xuôi hơn; lá cọ Phú Thọ như một mặt trống căng mà lại dựng thẳng, mưa tạt nghiêng vào lá, đánh từng nốt nhạc tròn trặn du dương. Bài thơ Bầm ơi của Tố Hữu (1947) là viết trong vùng này:

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu!

Tôi tưởng đến lòng ưu ái của nhà thơ, sợ bà bầm ướt, anh cầm cái nón hay chí ít một tàu lá cọ che mưa cho bà cụ.

Bà bủ nằm ổ chuối khô

Bà ngủ không được, bà lo bời bời

cũng là ở vùng đất Phú Thọ Hùng Vương có nhiều tiếng cổ này...

Rồi cơ quan dời sang bên Đại Từ, đất Thái Nguyên; huyện Đại Từ là nơi mà trước kia, ở Hà Nội, người ta quan niệm: ai mà đau sốt rét nhiều,

Những người lử khử lừ khừ

Không ở Đại Từ, cũng ở Võ Nhai

Gần đây, tôi trở lại thăm căn cứ địa cũ của Hội Văn nghệ, lại nghe đồng bào sáng tạo một câu ca dao mới:

Những người đẹp gái xinh trai

Không ở Võ Nhai, cũng ở Đại Từ

Cái Xóm Chòi nằm lọt giữa những núi thấp như đồi, cách huyện lỵ Đại Từ mươi lăm ki-lô-mét, nơi ấy chúng tôi đã ở kháng chiến cùng nhau. Trường huấn luyện Văn nghệ Nhân dân khóa I, khóa phát động, đã mở ở khoảng đây, với ba trăm học viên, và “Ông đốc” là Nguyên Hồng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1950. Có đồng chí Lê-ô Phi-ghe (Léo Figuères) từ Pháp sang thăm, vào tận giữa rừng Việt Bắc. Hình ảnh tác giả Tắt đèn, bác Ngô Tất Tố, vẫn hãy còn thấp thoáng đi dưới những cây dọc trên đồi.

Trong đời, tôi thường thích đóng vai phó, giúp đỡ cho đồng chí giữ trách nhiệm chính. Tôi làm phó phụ cho anh Nguyễn Huy Tưởng, giúp anh xào xáo bài vở. Có những khi tôi đi nhà in. Tôi nằm khểnh trên chiếc đò con, người ta chèo ngược dòng sông Lô, đến xã Xuân Vân, nơi đó có nhà in Tiến bộ. Bình thơ kháng chiến cho công nhân nghe, để họ xếp chữ nhanh hơn, in đẹp hơn.

Một loạt số đặc biệt đã ra trong những năm 1949, 1950. Số Mùa xuân 49 đã được hào hứng làm ra. Có Buổi chợ trung du của Ngô Tất Tố, nhà văn lão thành văn viết rất trẻ. “...Lồng vuông, lồng tròn, lồng cao, lồng thấp, lồng trái hồng, lồng trái vả, lồng quây vành cót, lồng bằng cái nong. Khu hàng gà vịt đủ các kiểu lồng, nhiều thứ trung châu không có. Chúng nó kề lưng nhau, giáp vách nhau, gối lên nhau, chồng lên nhau, sắp thành hai dãy thườn thượt. Vậy mà vẫn còn là ngắn. Trước kia, vào khoảng tháng ba, tháng tư, cũng ở chỗ này, trên là trời, dưới thì gà vịt. Trong đó, vịt chiếm đến chín phần mười. Vịt bóc trứng, vịt thục thóc, vịt đẻ, vịt chéo cánh... Không thiếu một hạng nào...”. Sao bác Ngô nhìn kỹ và biết rộng thế! - Truyện ngắn Những ngày cuối năm của Trần Đăng, sâu sắc và có duyên. Thơ Viếng bạn của Hoàng Lộc; nhà thơ mất sớm còn mãi với bài thơ kháng chiến này - Số xuân 49, chúng tôi trân trọng đề: “Kính dâng Hồ Chủ tịch, kính tặng Quân đội quốc gia Việt Nam”, chứng tỏ hào hứng biết chừng nào.

Số Văn nghệ bộ đội; số Chiến dịch Sông Thao; số Hội nghị tranh luận; số Văn nghệ các nước bạn, làm vào dịp tháng hữu nghị Việt Trung Xô, có đăng bài thơ “Việt Trung Xô, chào mừng” của Chế Lan Viên; trong bài này, Chế Lan Viên đã mở rộng câu thơ, làm cho nó mềm mại, cơ động hơn, chuẩn bị cho câu thơ mở rộng về sau này, trong những năm gần đây.

Số Hồ Chủ tịch 60 tuổi mang niềm yêu thương thành kính của những văn nghệ sĩ kháng chiến đối với Bác Hồ. Trong bài Hồ Chủ tịch nhà văn hóa của nhân dân, anh Nguyễn Đình Thi viết: “Lịch sử có những anh hùng, những chính khách sáng lập ra một triều vua, một giang sơn, một chính thể nhưng mỗi dân tộc phải nhiều thế kỷ mới được một người không những sự nghiệp rực rỡ, mà còn tạo ra một chế độ xã hội, một tư tưởng, một cách sống cho thời đại mình và ảnh hưởng vượt qua các biên giới, lâu dài mãi đến những thời đại về sau!”. Nhà thơ tiếng Dao Bàn Tài Đoàn viết một cách hồn nhiên; “Ý nghĩa hôm nay hình như là: có một cây đa mọc lên mặt đất việt Nam. Cây đa ấy mọc lên đã trải qua sáu mươi năm trời mưa gió. Có cành dài lá rộng che được dân tộc ta êm đẹp. Cái bóng cây đó rất mát mẻ, trời nắng tôi được che chở như thế, thì tôi tuy rằng ở trên núi nhưng mà cũng được sung sướng lắm rồi...”. Anh Nguyễn Huy Tưởng có tài viết bút ký và ghi chép, thuật lại ngày lễ mừng thọ Bác ở Phủ Chủ tịch trong rừng Việt Bắc. Anh đã kể lại: “Buổi chiều, tôi đang ăn cơm. Cụ đến sau lưng, đặt tay lên vai, hỏi: Chú ăn được mấy bát? Chúng tôi hỏi lại cụ. Cụ nói:

- Tôi ăn được hai bát.

Tôi se se se trong lòng. Cụ cười và tiếp:

- Trước kia bằng tuổi các chú, tôi ăn được bốn năm bát, cái thứ bát mà ta gọi là bát ngô ấy”.

Khi kết thúc bài văn, anh Tưởng nhắc lại cái nét thật cảm động ấy: “Tôi ăn được hai bát. Cụ sáu mươi. Cụ đã sáu muơi”.

Tôi ngừng dòng kỷ niệm lại đây. Những năm đầu Cách mạng và Kháng chiến ấy. Những năm đầu Tạp chí Văn nghệ ấy. Và tòa soạn là ở trong Kháng chiến, cho nên ở giữa thiên nhiên, bóng cây trùm mát rượi trên những trang bài. Tiếng ve núi kêu to lạ kỳ ở dưới trời nắng. Tiếng suối trong như tiếng hát xa. Con suối phát nguyên đã chảy thành sông, đã rộng thành sông Cái, đi ra biển.

22-3-1973

(Rút trong tập Mài sắt nên kim) / In lại trong Kỷ yếu 75 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên



Tin tức khác

· 'MADAME BÌNH' - NIỀM TỰ HÀO CỦA BẢN LĨNH ĐÀM PHÁN VIỆT NAM
· VĂN NGHỆ - NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG 1957 - 1963: TUẦN BÁO VĂN, TẠP CHÍ VĂN NGHỆ, TUẦN BÁO VĂN HỌC ĐAN XEN TIẾP NỐI
· NHỮNG KỶ NIỆM CHUNG QUANH TẠP CHÍ VĂN NGHỆ -Tiểu luận XUÂN DIỆU
· NHỮNG NGÀY VUI NHẤT CỦA NHẤT LINH VÀ KHÁI HƯNG -Tiểu luận LÊ MINH QUỐC
· PHỤC VỤ THƯỢNG TƯỚNG TRẦN VĂN TRÀ VIẾT HỒI KÝ
· VĂN HỌC MỸ - NỀN VĂN HỌC CỦA ĐẾ CHẾ
· CHIẾC ÁO GIẢI PHÓNG QUÂN QUA THƠ THANH THẢO -Tiểu luận MAI BÁ ẤN
· DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH - NGUYỄN MINH CHÂU TRÊN CHIẾN TRƯỜNG QUẢNG TRỊ
· TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ - VỊ QUAN THANH LIÊM KIÊN QUYẾT CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
· THƠ LƯU QUANG VŨ - CHIẾN TRANH, EM VÀ TÔI -Tiểu luận LÊ THỊ HƯỜNG
· 30 - 4 - 1975: MỘT TƯỢNG ĐÀI CHIẾN THẮNG, MỘT TƯỢNG ĐÀI THƠ - Tiểu luận NGUYỄN MINH KHIÊM
· NGƯỜI KỂ CHUYỆN ĐẾN TỪ CÁT TRẮNG -Tiểu luận NGUYỄN QUANG THIỀU
· TÀI THƠ CỦA VUA MINH MẠNG
· CÁI NHÌN VỀ CHIẾN TRANH TRONG THƠ VÙNG ĐÔ THỊ MIỀN NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975 -Tiểu luận MAI BÁ ẤN
· CHẾ LAN VIÊN - NGƯỜI BẮN 'PHÁO HOA TRÍ TUỆ' Ở THỂ THƠ TỨ TUYỆT
· CHẤT CHỨA 'BI HÙNG' VƯƠNG TRIỀU NHÀ LÝ - Tiểu luận HỮU THỈNH
· CHÂN DUNG NGƯỜI MẸ VIỆT TRONG THƠ CA ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG
· 'NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM' - CUỐN NHẬT KÝ Ở TRONG ĐÓ CÓ LỬA
· MAI BÁ ẤN NHỚ ANH BÙI HUYỀN TƯƠNG
· NGƯỜI KỂ 'HIỂU CHUYỆN' TRONG 'AI NÓI & TẠI SAO LẠI NÓI NHƯ THẾ' CỦA VĂN GIÁ

Tin tức mới
♦ VÀNG RƠI, VÀNG RƠI, THU MÊNH MÔNG! - Tiểu luận PHẠM HIỀN MÂY (07/05/2025)
♦ BIỂN BỖNG KHÓC ÒA - Truyện ngắn NGUYỄN ĐỨC HẠNH (07/05/2025)
♦ GIA ĐÌNH CÓ 3 NGƯỜI ĐƯỢC ĐẶT TÊN PHỐ, NHIỀU CON CHÁU LÀ TƯỚNG, GIÁO SƯ (07/05/2025)
♦ 3 ANH HÙNG TRUNG NGHĨA NỔI TIẾNG TRONG LỊCH SỬ THẾ GIỚI: VIỆT NAM CÓ 1 (07/05/2025)
♦ CHÙM THƠ HÀ HỒNG HẠNH Ở BẮC KẠN (04/05/2025)
Bạn đọc
Quảng cáo
 

Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương

Sinh ngày 24.3.1916 (tức ngày 21.2. năm Bính Thìn)

Tại quê ngoại ở xã Phước Lộc, nay là xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh.

Ông lớn lên và sống chủ yếu tại quê nội ở thị trấn Thu Xà, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là một thị trấn cổ, có nhiều Hoa kiều đến sinh cơ lập nghiệp. Nhờ giao thông thuận tiện, có sông lớn, gần cửa biển, nên Thu Xà đã từng có thời kỳ rất sầm uất, buôn bán thịnh vượng, nhưng đã dần sa sút từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra.

Tong truy cap Tổng truy cập: 1660551
Trong thang Trong tháng: 172474
Trong tuan Trong tuần: 81
Trong ngay Trong ngày: 42175
Truc tuyen Trực tuyến: 5

...

...

Designed by VietNetNam